#SREC_NEWS
Tuần vừa qua đã đánh dấu những bước tiến mới mẻ trong lĩnh vực thương mại điện tử và công nghệ, mang đến cho chúng ta vô vàn thông tin và sự kiện thú vị. Để đảm bảo bạn đọc không bỏ lỡ bất cứ nội dung quan trọng nào, SREC NEWS xin điểm lại những tin tức nổi bật sau:
- Bản rút gọn GPT-4o mini ra mắt
- Hơn 40% công ty Nhật Bản nói không với AI
- Vượt Philippines, Việt Nam trở thành thị trường thương mại điện tử lớn thứ 3 ASEAN
- Đường truyền Internet 10 Gbps được triển khai tại Việt Nam
Mời các bạn Click vào từng bản tin để có thể theo dõi chi tiết nội dung. Đừng quên follow Fanpage SREC để cập nhập thêm những thông tin mới nhất về kinh tế, khởi nghiệp trên lĩnh vực thương mại điện tử và công nghệ nhé!!
Tin 1 : Bản rút gọn GPT-4o mini ra mắt
GPT-4o mini, phiên bản rẻ và nhẹ hơn so với mô hình ngôn ngữ lớn nhất của OpenAI, đã được ra mắt nhằm mở rộng phạm vi sử dụng của chatbot với dữ liệu được cập nhật đến tháng 10.2023. Theo OpenAI, GPT-4o mini là "mô hình nhỏ có khả năng và hiệu quả về chi phí nhất hiện nay", và sẽ sớm được tích hợp thêm các tính năng về hình ảnh, video và âm thanh trong thời gian tới.
Mô hình mini là một phần trong nỗ lực của công ty nhằm đi đầu về đa phương thức, hay khả năng cung cấp nhiều loại phương tiện do AI tạo ra bên trong một công cụ như văn bản, hình ảnh, âm thanh và video. "Thế giới vốn dĩ là đa phương thức. Khi suy nghĩ về cách chúng ta xử lý và tương tác với thế giới, chúng ta thấy, nghe và nói mọi thứ. Thực tế, thế giới phong phú hơn nhiều so với văn bản.", Brad Lightcap, một giám đốc của OpenAI, nói với CNBC.
Từ ngày 18.7, GPT-4o mini sẽ có sẵn cho người dùng ChatGPT miễn phí cũng như các thành viên ChatGPT Plus và ChatGPT Team thay cho GPT-3.5 Turbo , và tiếp tục có sẵn cho người dùng ChatGPT Enterprise vào tuần tới .
Tin 2 : Hơn 40% công ty Nhật Bản không có kế hoạch ứng dụng AI trong các hoạt động sản xuất kinh doanh
Theo cuộc khảo sát của Nikkei Research, hơn 40% doanh nghiệp Nhật Bản (khoảng 250/506 công ty) không có kế hoạch áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong hoạt động kinh doanh. Con số này cho thấy sự thận trọng của các doanh nghiệp Nhật Bản trong việc tiếp cận công nghệ mới, so với tốc độ áp dụng AI nhanh chóng tại nhiều quốc gia khác.
Khi được hỏi về mục tiêu khi áp dụng AI, 60% số công ty đang cố gắng giải quyết tình trạng thiếu nhân công, trong khi 53% muốn cắt giảm chi phí lao động và 36% cho rằng cần tăng tốc trong nghiên cứu và phát triển.
Về những trở ngại trong việc giới thiệu và ứng dụng AI, quản lý tại một công ty vận tải giấu tên đã trích dẫn về “sự lo lắng của nhân viên về khả năng cắt giảm số lượng người làm” nếu ứng dụng các giải pháp trí tuệ nhân tạo.
Cuộc khảo sát cũng cho thấy những trở ngại trong việc ứng dụng AI của các công ty Nhật bao gồm thiếu chuyên môn công nghệ, chi phí vốn và lo ngại về độ tin cậy. Cuộc thăm dò cũng cho thấy 15% số công ty được hỏi đã trải qua các cuộc tấn công mạng trong năm qua và 9% có đối tác kinh doanh bị tấn công mạng trong cùng thời gian.
Nhìn chung, tâm lý e dè và thận trọng của các doanh nghiệp Nhật Bản trước AI xuất phát từ nhiều yếu tố, bao gồm tác động xã hội, chi phí đầu tư và khả năng ứng dụng công nghệ.
Tin 3 : Việt Nam đã vượt qua Philippines để trở thành thị trường thương mại điện tử lớn thứ 3 ASEAN
Theo báo cáo “Thương mại điện tử ở Đông Nam Á 2024” của Momentum Works vừa mới công bố, mặc dù nền kinh tế vĩ mô còn nhiều khó khăn, tuy nhiên thương mại điện tử Đông Nam Á liên tục tăng trưởng qua các năm, GMV năm nay thậm chí đã gấp đôi năm 2020.
Báo cáo cho thấy Việt Nam và Thái Lan là hai thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất, với GMV tăng lần lượt là 52,9% và 34,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng vượt qua Philippines để trở thành thị trường thương mại điện tử lớn thứ 3 khu vực.
Trong 4 năm trở lại đây, thương mại điện tử Việt Nam đã tăng trưởng liên tục với tốc độ trung bình 16-30% mỗi năm, thuộc nhóm tăng trưởng cao nhất thế giới. Trong khi đó, Indonesia vẫn là thị trường lớn nhất ASEAN, chiếm 46,9% GMV của khu vực, mặc dù tốc độ tăng trưởng chỉ ở mức 3,7%.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng, sự phát triển của thương mại điện tử tại Việt Nam được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố, bao gồm sự gia tăng của các KOL (người có sức ảnh hưởng) bán hàng trực tuyến và việc áp dụng các ứng dụng AI sáng tạo nhằm cải thiện trải nghiệm người dùng và hiệu quả hoạt động. Điều này cho thấy sự đổi mới và thích ứng là chìa khóa thành công trong ngành thương mại điện tử tại khu vực này.
Tin 4 : Đường truyền Internet 10 Gbps được triển khai tại Việt Nam
Trong thông báo ngày 18/7, VNPT đã tiên phong triển khai công nghệ XGSPON tại gần 60 tỉnh thành, cho phép tốc độ truyền dẫn dữ liệu tối đa 10 Gbps cho cả tải lên và tải xuống trên một đường cáp quang. Công nghệ XGSPON, phát triển dựa trên nền tảng PON, không chỉ giúp giải quyết bài toán chênh lệch giữa hai đường tải mà còn vượt trội so với các công nghệ cũ như GPON và XGPON.
Theo VNPT, việc cân bằng giữa hai đường tải sẽ phù hợp với xu thế và nhu cầu của người dùng Internet, khi các ứng dụng như trò chơi trực tuyến, livestream, IoT, họp online, điện toán đám mây đòi hỏi đường tải lên tốc độ cao.
Tuy nhiên, đây chưa phải tốc độ đến người dùng cuối. Thực tế, các gói cước của nhà mạng này cho gia đình dừng lại ở 1 Gbps. Khi đưa vào công nghệ XGSPON, người dùng vẫn sử dụng trên các đường truyền và thiết bị có sẵn, nhưng tốc độ thực tế được tăng cường, đồng thời giảm độ trễ, giúp ứng dụng truyền dữ liệu trực tuyến mượt mà hơn.
Đại diện VNPT cho biết sẽ hướng tới thay thế GPON cũ bằng XGSPON nhằm giúp người dân tiếp cận công nghệ mới nhất. “Công nghệ này đòi hỏi chi phí đầu tư lớn hơn nhiều, tuy nhiên chúng tôi sẽ từng bước thay thế GPON cũ trong các hộ gia đình,” đại diện VNPT nói.
SREC - STUDY WITH PASSION TO LIVE PURPOSEFULLY
___________________
Mọi thắc mắc xin liên hệ:
CLB SINH VIÊN NGHIÊN CỨU KHOA HỌC VÀ KHỞI NGHIỆP - SREC
➤ Facebook: SREC - CLB Sinh Viên Nghiên Cứu Khoa Học & Khởi Nghiệp
➤ Website: https://srec.edu.vn/
➤ Email: srec.tmu@gmail.com
➤ Hotline: 0827939493 (Ms.Thu Lieu)
#SREC_NEWS
#BantinKN