~ Hỡi thế gian ai là người giỏi toán ~
~ Giải giùm tôi bài toán Kinh doanh ~
Tuần này, Bản tin SREC_NEWS tiếp tục gửi tới các bạn độc giả 2 tin tức được mã hóa như những bài toán mang tính cấp thiết trong lĩnh vực Kinh tế. Những bài toán đó sẽ được giải quyết như nào? Chúng mình sẽ giải đáp ở các phía dưới nha
Bài toán số 1 - Kinh tế số: Bí mật đằng sau sự tăng trưởng thần tốc của chip Trung Quốc
Việc áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt của Mỹ đã không thể ngăn chặn sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghiệp chip của Trung Quốc, vốn đang liên tục mở rộng khả năng sản xuất và nâng cấp năng lực công nghệ, theo Nhật báo Trung Quốc. Xuất khẩu mạch tích hợp của Trung Quốc đã đạt 1,03 nghìn tỷ nhân dân tệ (141 tỷ USD) trong 11 tháng đầu năm 2024, tăng 20,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, năm 2018, thời điểm Mỹ bắt đầu áp đặt các lệnh hạn chế, xuất khẩu IC của Trung Quốc chỉ bằng một nửa con số trên.
Tháng trước, Cục Công nghiệp và An ninh thuộc Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã công bố các hạn chế chặt chẽ hơn đối với thiết bị sản xuất chất bán dẫn và chip bộ nhớ dành cho Trung Quốc, thêm 140 công ty liên quan đến chất bán dẫn của Trung Quốc vào Danh sách thực thể.
Xiang Ligang, Tổng Giám đốc Liên minh Tiêu dùng Thông tin – một hiệp hội trong ngành viễn thông, nhận định: “Bất chấp việc Mỹ gia tăng kiểm soát xuất khẩu chip và công nghệ liên quan của Trung Quốc, xuất khẩu mạch tích hợp của Trung Quốc vẫn tăng trưởng, cho thấy các lệnh trừng phạt không thể ngăn cản sự phát triển của ngành công nghiệp chip tại Trung Quốc”.
Ông Xiang cho biết thêm: “Các lệnh trừng phạt từ Mỹ trong những năm qua đã thúc đẩy Trung Quốc xây dựng chuỗi giá trị trong ngành công nghiệp chip của mình. Dù các công ty Trung Quốc vẫn chưa bắt kịp trình độ sản xuất, thiết kế, đóng gói và thử nghiệm tiên tiến nhất thế giới, họ đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong từng lĩnh vực”. Các chuyên gia cho rằng phần lớn sự tăng trưởng mạnh mẽ này là do sự hỗ trợ chính sách mạnh mẽ và hướng dẫn rõ ràng từ phía Chính phủ, do đó đã củng cố nền tảng phát triển của ngành.
Mặc dù vậy, theo ông Liu Liang, một nhà nghiên cứu tại Viện Kinh tế Ứng dụng của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Thượng Hải, những thách thức vẫn còn trong việc sản xuất các nút tiên tiến, vốn đang chịu những hạn chế nặng nề từ Mỹ. Một báo cáo có tiêu đề "Rủi ro địa chính trị và phân tách: Bằng chứng từ kiểm soát xuất khẩu của Hoa Kỳ" của Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York, được sửa đổi vào tháng 11, cho biết: "Ước tính của chúng tôi cho thấy các biện pháp kiểm soát xuất khẩu khiến mỗi nhà cung cấp của Hoa Kỳ bị ảnh hưởng mất trung bình 857 triệu USD vốn hóa thị trường, với tổng thiệt hại lên đến 130 tỷ USD cho toàn bộ các nhà cung cấp". Trong mối quan hệ căng thẳng này, có lẽ dù Mỹ hay Trung Quốc cũng đều đang chịu những tổn thất không hề nhỏ.
Nguồn: VnEconomy
Bài toán số 2 - Kinh tế xanh: 145 chỉ tiêu, bức tranh toàn cảnh về phát triển bền vững của Việt Nam
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa ban hành Thông tư số 02/2025/TT-BKHĐT quy định Bộ chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững của Việt Nam. Danh mục gồm 145 chỉ tiêu thống kê phản ánh 17 mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.
Mục tiêu 1: Chấm dứt mọi hình thức nghèo ở mọi nơi (gồm các chỉ tiêu như: tỷ lệ nghèo đa chiều; tỷ lệ dân số sống dưới chuẩn nghèo quốc tế; tỷ lệ người lao động tham gia bảo hiểm xã hội; …).
Mục tiêu 2: Xóa đói, bảo đảm an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng và thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững (gồm các chỉ tiêu như: tỷ lệ mất an ninh lương thực; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi thừa cân béo phì; năng suất lao động ngành nông lâm nghiệp và thủy sản; …).
Mục tiêu 3: Bảo đảm cuộc sống khỏe mạnh và tăng cường phúc lợi cho mọi người ở mọi lứa tuổi (gồm các chỉ tiêu như: số vụ tai nạn gao thông; số người chết, bị thương do tai nạn giao thông; tỷ suất sinh ở tuổi vị thành niên; …).
Mục tiêu 4: Đảm bảo nền giáo dục có chất lượng, công bằng, toàn diện và thúc đẩy các cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người (gồm các chỉ tiêu như: tỷ lệ học sinh đi học phổ thông; tỷ lệ học sinh hoàn thành các cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông; …).
Mục tiêu 5: Đạt được bình đẳng về giới; tăng quyền và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái (gồm các chỉ tiêu như: tỷ lệ giới tính khi sinh; tỷ lệ tảo hôn; tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội; …).
Mục tiêu 6: Đảm bảo đầy đủ và quản lý bền vững tài nguyên nước và hệ thống vệ sinh cho tất cả mọi người (gồm các chỉ tiêu như: tỷ lệ dân số được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh; tỷ lệ nước thải đô thị được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn quy chuẩn; tỷ lệ khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường; …).
Mục tiêu 7: Đảm bảo khả năng tiếp cận nguồn năng lượng bền vững, đáng tin cậy và có khả năng chi trả cho tất cả mọi người (gồm các chỉ tiêu: tỷ lệ số dân sử dụng điện; tỷ lệ hộ có sử dụng nhiên liệu sạch; …).
Mục tiêu 8: Đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững, toàn diện, liên tục; tạo việc làm đầy đủ, năng suất và việc làm tốt cho tất cả mọi người (gồm các chỉ tiêu: tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước bình quân đầu người; tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước; tốc độ tăng năng suất lao động; tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức;…).
Mục tiêu 9: Xây dựng cơ sở hạ tầng có khả năng chống chịu cao, thúc đẩy công nghiệp hóa bao trùm và bền vững, tăng cường đổi mới (gồm các chỉ tiêu: tỷ trọng giá trị tăng thêm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong tổng sản phẩm trong nước; giá trị tăng thêm bình quân đầu người ngành công nghiệp chế biến, chế tạo theo sức mua tương đương; …).
Mục tiêu 10: Giảm bất bình đẳng trong xã hội.
Mục tiêu 11: Phát triển đô thị, nông thôn bền vững, có khả năng chống chịu; đảm bảo môi trường sống và làm việc an toàn, phân bổ hợp lý dân cư và lao động theo vùng.
Mục tiêu 12: Đảm bảo mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững (gồm các chỉ tiêu: tỷ lệ chất thải nguy hại được thu gom, xử lý; tỷ lệ khu vực ô nhiễm môi trường đất được xử lý, cải tạo và phục hồi).
Mục tiêu 13: Ứng phó kịp thời, hiệu quả với biến đổi khí hậu và thiên tai (gồm các chỉ tiêu: lượng phát thải khí nhà kính bình quân đầu người; tỷ lệ cơ sở phát thải khí nhà kính xây dựng và thực hiện kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính…).
Mục tiêu 14: Bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương, biển và nguồn lợi biển để phát triển bền vững.
Mục tiêu 15: Bảo vệ và phát triển rừng bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển dịch vụ hệ sinh thái, chống sa mạc hóa, ngăn chặn suy thoái và phục hồi tài nguyên đất.
Mục tiêu 16: Thúc đẩy xã hội hòa bình, công bằng, bình đẳng vì sự phát triển bền vững, tạo khả năng tiếp cận công lý cho tất cả mọi người; xây dựng các thể chế hiệu quả, có trách nhiệm giải trình và có sự tham gia ở các cấp.
Mục tiêu 17: Tăng cường phương thức thực hiện và thúc đẩy đối tác toàn cầu vì sự phát triển bền vững.
Thông tư nêu rõ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan: Thu thập, tổng hợp thông tin thống kê thuộc Bộ chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững của Việt Nam bảo đảm cung cấp số liệu thống kê đầy đủ, chính xác, kịp thời và đáp ứng yêu cầu so sánh quốc tế; xây dựng cơ sở dữ liệu thống kê phát triển bền vững của Việt Nam và phổ biến thông tin thống kê các chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững.
Nguồn: VnEconomy
SREC - STUDY WITH PASSION TO LIVE PURPOSEFULLY
___________________
Mọi thắc mắc xin liên hệ:
CLB SINH VIÊN NGHIÊN CỨU KHOA HỌC VÀ KHỞI NGHIỆP - SREC
➤ Facebook: SREC - CLB Sinh Viên Nghiên Cứu Khoa Học & Khởi Nghiệp
➤ Website: https://srec.edu.vn/
➤ Email: srec.tmu@gmail.com
➤ Hotline: 0827939493 (Ms.Thu Lieu)