[SREC_NEWS]: TÌNH HÌNH VỀ CÔNG NGHỆ VÀ TMĐT Ở VIỆT NAM VÀ THẾ GIỚI TRONG TUẦN QUA

[SREC_NEWS]: TÌNH HÌNH VỀ CÔNG NGHỆ VÀ TMĐT Ở VIỆT NAM VÀ THẾ GIỚI TRONG TUẦN QUA

Bởi Phong Phạm 14/01/2025

#SREC_NEWS

Biết ông Từ không?

Ông Từ nào?

Từ nay Bản tin SREC_NEWS sẽ trở lại và lợi hại hơn xưa!! Hân hoan trong không khí vui mừng cùng đội tuyển bóng đá Việt Nam,  SREC_NEWS sẽ đem tới cho các bạn độc giả những tin tức thú vị đầu năm 2025. Liệu những tin tức đó đủ khiến bạn quan tâm? Hãy nhấp vào dưới đây để biết đó là những tin tức gì nha 🤗🤗

Tin 1: Việt Nam bứt phá trong thu hút FDI, công nghệ cao là động lực chính

Việt Nam trong năm vừa qua đã trở thành điểm đến mới của các tập đoàn công nghệ toàn cầu. Nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đã đạt gần 31,4 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm 2024, với FDI giải ngân ước tính khoảng 21,7 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2023. Điều này đã giúp Việt Nam ghi tên vào top 15 quốc gia đang phát triển thu hút nhiều FDI nhất thế giới. Nguồn vốn FDI trong năm 2024 phần lớn tập trung vào các ngành có giá trị cao như điện tử, chất bán dẫn và công nghệ xanh. Các chuyên gia dự đoán xu hướng này có khả năng sẽ tiếp tục trong năm nay.

Một số sự kiện hợp tác công nghệ đáng chú ý trong năm 2024 có thể kể đến như thỏa thuận thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Việt Nam và Trung tâm Dữ liệu Trí tuệ nhân tạo (AI) giữa Chính phủ và nhà sản xuất chip hàng đầu của Mỹ, NVIDIA tại Việt Nam. Đây là cột mốc quan trọng đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm nghiên cứu và phát triển AI hàng đầu châu Á và thứ ba trên toàn cầu, sau Hoa Kỳ và Đài Loan.

Mặc dù nguồn vốn FDI gia tăng, mang đến không ít cơ hội, các chuyên gia kinh tế cũng nhấn mạnh cần thận trọng trong chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế. Trước đó, chia sẻ với VnEconomy, nhiều chuyên gia cho rằng từ thực tiễn dòng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam trong thời gian qua, có thể thấy đã xuất hiện xu thế mới, theo đó vốn FDI tập trung vào các lĩnh vực công nghệ xanh, sạch và đi vào những lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao như sản xuất chip, chất bán dẫn. Đây chính là những điểm tích cực của dòng vốn FDI vào Việt Nam trong những năm gần đây.

Nguồn: VN economy

Tin 2: Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp: Tái chế sản phẩm điện tử là bắt buộc

Theo lộ trình quy định, bắt đầu từ ngày 1/1/2025, các nhà sản xuất, nhập khẩu sản phẩm điện- điện tử sẽ phải thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm. Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định rõ lộ trình các nhà sản xuất, nhập khẩu thực hiện trách nhiệm tái chế các sản phẩm, bao bì do mình sản xuất nhập khẩu. Theo đó, với bao bì và các sản phẩm ắc quy, pin, dầu nhớt, săm lốp áp dụng từ ngày 1/1/2024. Với các nhà sản xuất nhập khẩu phương tiện giao thông sẽ thực hiện từ 1/1/2027. Riêng đối với các nhà sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm điện- điện tử thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm từ ngày 1/1/2025.

Cụ thể, theo Điều 77 và Phụ lục XXII Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, các sản phẩm điện– điện tử phải thực hiện trách nhiệm tái chế gồm: Tủ lạnh, tủ đông, thiết bị tự động cung cấp sản phẩm đông lạnh, máy bán hàng tự động; điều hòa không khí cố định, di động; máy tính bảng, máy tính xách tay; ti vi và màn hình máy tính, các loại màn hình khác;

Tuy nhiên, nhà sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm điện– điện tử sẽ không phải thực hiện trách nhiệm tái chế nếu thuộc một trong các trường hợp sau: Sản xuất sản phẩm, bao bì để xuất khẩu; Tạm nhập, tái xuất sản phẩm, bao bì; Sản xuất, nhập khẩu cho mục đích nghiên cứu, học tập, thử nghiệm (không vì mục đích thương mại); Nhà sản xuất bao bì có doanh thu bán hàng, cung cấp dịch vụ của năm trước dưới 30 tỷ đồng; Nhà nhập khẩu bao bì có tổng giá trị nhập khẩu (tính theo trị giá hải quan) của năm trước dưới 20 tỷ đồng.

Nguồn: VN economy

Tin 3: Cuộc đua không gian nóng lên: Starlink của Elon Musk bị vượt mặt?

Trung Quốc đạt đột phá trong truyền laser từ vệ tinh đến mặt đất, giúp mở đường cho 6G và các ứng dụng khác bao gồm cảm biến từ xa và công nghệ định vị vệ tinh. Công ty Công nghệ Vệ tinh Trường Quang (Chang Guang Satellite Technology), công ty sở hữu chùm vệ tinh Jilin-1, vệ tinh cảm biến thương mại từ xa, cho biết họ đã đạt được tốc độ truyền dữ liệu hình ảnh siêu tốc 100 gigabit mỗi giây trong quá trình thử nghiệm vào cuối tuần trước. Công ty cho biết thành tích này – nhanh gấp 10 lần kỷ lục trước đó – được thực hiện giữa một trạm mặt đất gắn trên xe tải và một trong 117 vệ tinh hiện đang tạo nên chòm Jilin-1. Theo Wang Hanghang, giám đốc công nghệ trạm mặt đất truyền laser của công ty, sự phát triển này đưa Chang Guang Satellite vượt lên trước Starlink của Elon Musk.

Wang nói thêm rằng bước đột phá này "đặt nền tảng cho việc triển khai và vận hành hiệu quả cơ sở hạ tầng vệ tinh của Trung Quốc, bao gồm định vị, internet 6G và các ứng dụng cảm biến từ xa". Ông cho biết mặc dù chi phí nâng cấp các trạm mặt đất cao, nhưng liên lạc vệ tinh có chi phí thấp và phạm vi phủ sóng rộng, khiến nó trở thành "hướng quan trọng" cho sự phát triển của 6G. "Đến lúc đó, liên lạc laser cũng sẽ là một công nghệ cần thiết".

Khi các vệ tinh đạt được độ phân giải không gian và thời gian cao hơn, khối lượng dữ liệu mà chúng tạo ra tăng theo cấp số nhân, tạo ra nút thắt cổ chai đối với băng thông truyền dữ liệu vi sóng truyền thống. Việc đạt được tốc độ truyền 100Gbps từ vệ tinh đến Trái đất "tương đương với việc truyền 10 bộ phim dài chỉ trong một giây. Giống như nâng cấp một xa lộ một làn thành hàng nghìn làn”, Wang cho biết.

Theo báo cáo chính thức của công ty, khả năng ứng dụng rất rộng, bao gồm giám sát thảm họa, quốc phòng, thành phố thông minh, bảo vệ môi trường và ứng phó khẩn cấp, ngoài internet vệ tinh 6G. Thành tựu mới nhất đánh dấu bước tiến đáng kể cho năng lực truyền thông vệ tinh của Trung Quốc, củng cố vị thế của nước này trong cuộc đua công nghệ vũ trụ toàn cầu, công ty cho biết.

Nguồn: cafef

Tin 4: Giảm 50% khí thải CO2: Liệu Metro là câu trả lời cho đô thị xanh?

Không chỉ "cách mạng hoá" giao thông, thúc đẩy kinh tế, metro còn góp phần giảm hơn 50% CO2 ở các đô thị có loại phương tiện này. Metro Bến Thành - Suối Tiên, tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của TP HCM được đưa vào vận hành gần hai tuần, sau 12 năm thi công với vốn đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng.

 

Báo cáo "Tàu điện ngầm và phát thải CO2: Phân tích toàn cầu từ dữ liệu vệ tinh" công bố đầu năm 2024 cho biết 192 thành phố có tàu điện ngầm - một loại metro chạy dưới lòng đất - giảm được 51,2% khí CO2 so với kịch bản không có phương tiện này. Khảo sát gần 1.500 thành phố quy mô dân số trên 500.000 người tại 113 quốc gia, gồm Việt Nam, nhóm tác giả từ WB tính toán hiệu quả giảm phát thải nói trên đồng nghĩa với lượng khí CO2 toàn cầu giảm gần 12%. Tại nhiều thành phố, metro giúp giảm phát thải đáng kể. Với Brazil, các tuyến đường sắt đô thị tại thành phố Rio de Janeiro giúp giảm tới hơn 17.700 tấn khí CO2 tương đương trong giai đoạn 2009 – 2022, tức giảm 89% so với kịch bản không có metro. Tuyến metro số 5 tại São Paulo giúp giảm gần 3 triệu tấn CO2.

Nhật Bản, nước đứng thứ ba khu vực châu Á – Thái Bình Dương về phát thải từ đốt nhiên liệu (sau Trung Quốc và Ấn Độ), đã nỗ lực giảm 14% lượng phát thải trong giai đoạn 2000-2022.  Một quốc gia nổi bật trong phát triển đường sắt là Ấn Độ, nơi metro được coi như phương tiện cách mạng hóa giao thông đô thị. Được vận hành từ năm 2002 với mục tiêu ban đầu là giảm tải cho thành phố, tàu điện ở thủ đô Dehli đã trở thành hệ thống metro đầu tiên trên thế giới được cấp chứng chỉ carbon, góp phần vào mục tiêu Net Zero của nước này đến năm 2070.

Không chỉ tạo tác động về môi trường, các tuyến metro cũng được cho là thúc đẩy đáng kể nền kinh tế. Tại Bangladesh, tờ Business Standard của nước này tính toán nếu hơn 22 triệu cư dân thủ đô Dhaka di chuyển bằng metro thì số tiền tiết kiệm được (thay vì sử dụng phương tiện khác) là hơn 73,5 triệu Taka (tương ứng hơn 616 triệu USD). Tính trên cả nước, các tuyến metro có thể tiết kiệm tới 2,4 tỷ USD, tương đương 1,5% GDP quốc gia.

Nguồn: Vnexpress

SREC - STUDY WITH PASSION TO LIVE PURPOSEFULLY

___________________

Mọi thắc mắc xin liên hệ:

CLB SINH VIÊN NGHIÊN CỨU KHOA HỌC VÀ KHỞI NGHIỆP - SREC

Facebook: SREC - CLB Sinh Viên Nghiên Cứu Khoa Học & Khởi Nghiệp

Website: https://srec.edu.vn/

Email: srec.tmu@gmail.com

Hotline: 0827939493 (Ms.Thu Lieu)

#SREC_NEWS

#BantinKN

Viết bình luận của bạn:

Đăng ký


Đăng ký thuê gia sư