Theo kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến năm 2025, cả nước ta phải có ít nhất 35% chương trình đào tạo được kiểm định theo chu kỳ lần thứ nhất. Tuy nhiên, tính đến năm 2022, cả nước hiện có 609 trên tổng số khoảng hơn 6.000 chương trình đào tạo đại học chính quy được kiểm định (chiếm khoảng 10%).
Trong số các chương trình đào tạo được kiểm định chất lượng thời gian vừa qua, là ngành Thương mại điện tử của Trường Đại học Thương mại. Sáng thứ 6, ngày 22/04/2022, tại Trường Đại học Thương mại, Khoa Hệ thống thông tin kinh tế và Thương mại điện tử đã được Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội trao giấy chứng nhận kiểm định chất lượng cho chương trình đào tạo ngành Thương mại điện tử và ngành Hệ thống thông tin quản lý trình độ đại học.
Trưởng khoa TS.Nguyễn Trần Hưng cùng đại diện các thầy cô ngành Thương mại điện tử - Trường Đại học Thương mại nhận Giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục
Chương trình đào tạo của ngành Thương mại điện tử được kiểm định dựa trên 11 tiêu chuẩn theo Thông tư 39/2020/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 25/11/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Cụ thể như sau:
- Tiêu chuẩn về mục tiêu và chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo;
- Tiêu chuẩn về bản mô tả chương trình đào tạo;
- Tiêu chuẩn về cấu trúc và nội dung chương trình dạy học;
- Tiêu chuẩn về phương pháp tiếp cận trong dạy và học;
- Tiêu chuẩn về đánh giá kết quả học tập của người học;
- Tiêu chuẩn về đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên;
- Tiêu chuẩn về đội ngũ nhân viên;
- Tiêu chuẩn về người học và hoạt động hỗ trợ người học;
- Tiêu chuẩn về cơ sở vật chất và trang thiết bị;
- Tiêu chuẩn về nâng cao chất lượng chương trình đào tạo;
- Tiêu chuẩn về kết quả đầu ra.
Trường Đại học Thương mại là trường Đại học đầu tiên trên cả nước đào tạo cử nhân chuyên ngành Quản trị Thương mại điện tử từ năm 2005. Cho đến nay, Trường Đại học Thương mại đã đào tạo chính quy được 17 khóa sinh viên, 14 khóa đã tốt nghiệp. Mỗi khóa của khoa có khoảng 200-250 sinh viên.
Mục tiêu chương trình đào tạo của ngành Thương mại điện tử của Trường Đại học Thương mại được xác định rõ ràng, cụ thể, phù hợp với mục tiêu giáo dục đại học quy định ở Luật giáo dục đại học, phù hợp với Khung năng lực trình độ Quốc gia, bám sát vào sứ mạng và tầm nhìn của Trường, cụ thể hóa sứ mạng và tầm nhìn của Khoa. Chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo được xác định rõ ràng, bao quát được các yêu cầu chung về khối ngành và yêu cầu chuyên biệt đối với ngành Thương mại điện tử, đảm bảo khối lượng kiến thức và kỹ năng người học cần đạt được sau khi hoàn thành chương trình đào tạo. Chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo được xây dựng theo đúng quy định, đảm bảo tính khoa học, phản ánh được nhu cầu của người sử dụng lao động, yêu cầu của người học, các chuyên gia, nhà quản lý và cơ sở đào tạo. Chuẩn đầu ra của chương trình được xem xét, điều chỉnh, được công bố công khai với nhiều hình thức khác nhau, tạo điều kiện cho các bên liên quan dễ dàng tiếp cận, tạo cơ hội tăng cường hợp tác, gắn kết giữa Nhà trường, doanh nghiệp trong đào tạo và sử dụng nhân lực cho xã hội, đáp ứng yêu cầu của các bên.
Đề cương các học phần thuộc ngành Thương mại điện tử của Trường Đại học Thương mại như Thương mại di động, Thanh toán điện tử, Phát triển hệ thống TMĐT, Marketing Thương mại điện tử, Chính phủ điện tử, Quản trị Thương mại điện tử 1, Quản trị Thương mại điện tử 2, Quản trị thương hiệu điện tử, Pháp luật Thương mại điện tử, Thực hành khai thác dữ liệu trên mạng internet, Thực hành quảng cáo điện tử, Thiết kế và triển khai website, Các phần mềm ứng dụng trong doanh nghiệp,…được thiết kế khoa học, có tính thực tiễn và ứng dụng cao. Đặc biệt là môn Công nghệ blockchain và ứng dụng trong Thương mại điện tử, một môn đi cùng xu hướng và có tính áp dụng cao. Khoa kết hợp với các doanh nghiệp Thương mại điện tử uy tín, hàng đầu Việt Nam sử dụng các phương pháp dạy học tích cực, chú trọng áp dụng các hình thức dạy và học đa dạng, có báo cáo viên thực tế, hướng dẫn thực hành. Bên cạnh đó, Trường Đại học Thương mại thường xuyên thu thập lấy ý kiến của các bên liên quan để rà soát, đánh giá, điều chỉnh và cập nhật nội dung nhằm cải tiến nội dung các học phần trong chương trình đào tạo theo xu hướng, gắn đào tạo với đáp ứng yêu cầu công việc.
Sinh viên ngành Thương mại điện tử có thể biết được điểm số và kết quả học tập một cách rõ ràng, minh bạch. Có đầy đủ các quy định về tiếp nhận, xử lý, giải quyết khiếu nại, thắc mắc nhằm đảm bảo quyền lợi cho sinh viên.
Thầy và trò của Khoa Hệ thống thông tin kinh tế & Thương mại điện tử - Trường Đại học Thương mại cùng chung vui trong ngày nhận Giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục
Bên cạnh đó, Khoa Hệ thống thông tin kinh tế và Thương mại điện tử - Trường Đại học Thương mại rất quan tâm phát triển đội ngũ giảng viên giảng dạy Thương mại điện tử. Khoa đã xây dựng được đội ngũ cán bộ có tính kế thừa về thế hệ, đáp ứng tốt các yêu cầu giảng dạy, nghiên cứu khoa học cũng như các hoạt động phong trào, đoàn thể, hợp tác doanh nghiệp,...Giảng viên có trình độ chuyên môn cao, có kinh nghiệm trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế. Thống kê trong 5 năm từ 2016-2021, giảng viên ngành Thương mại điện tử - Trường Đại học Thương mại công bố được 18 bài báo đăng trên tạp chí khoa học quốc tế thuộc danh mục ISI/Scopus, 29 bài báo đăng trên tạp chí khoa học trong nước có tính điểm, 70 bài báo đăng trên hội thảo khoa học quốc gia, quốc tế, nghiệm thu được 3 đề tài cấp Bộ Giáo dục và Đào tạo (đang thực hiện 2 đề tài), 11 đề tài cấp Trường Đại học Thương mại, xuất bản 2 giáo trình, 3 sách tham khảo (trên tổng số 16 giảng viên cơ hữu của ngành). Đây là nỗ lực rất lớn của các giảng viên trong Khoa, nhằm đảm bảo nguồn học liệu phục vụ công tác giảng dạy và học tập của sinh viên.
Nhà trường và Khoa đáp ứng đầy đủ phòng làm việc, phòng học và phòng chức năng đáp ứng yêu cầu làm việc và học tập. Trung tâm học liệu và Giảng đường đa năng 11 tầng hiện đại, máy tính có cấu hình mạnh, wifi đường truyền tốc độ cao, nguồn tài liệu phong phú, đảm bảo đầy đủ giáo trình, sách, tạp chí, .. đáp ứng yêu cầu của sinh viên cũng như giảng viên.
Môi trường học tập, nghiên cứu của Trung tâm học liệu và Giảng đường đa năng nhà P- Trường Đại học Thương mại có thể phục vụ khoảng 700 người sử dụng cùng lúc tại các khu chức năng.
Chính sách tuyển sinh ngành Thương mại điện tử của Trường Đại học Thương mại được công bố công khai, minh bạch. Trong công tác tuyển sinh của Khoa được thực hiện đúng theo quy chế của Bộ giáo dục đào tạo cũng như các quy định của Nhà trường. Trong 5 năm gần đây, ngành Thương mại điện tử luôn tuyển đủ và vượt chỉ tiêu với chất lượng đầu vào cao (điểm chuẩn ngành Thương mại điện tử năm 2018 là 20,7 điểm, năm 2019 là 23 điểm, năm 2020 là 26,25 điểm và năm 2021 là 27,1 điểm, trích trên website: http://httttmdt.tmu.edu.vn/. Điểm chuẩn tăng đều hàng năm, và luôn nằm trong nhóm 5 ngành đào tạo có điểm chuẩn và điểm trúng tuyển bình quân cao nhất trường. Khoa có Ban truyền thông đảm nhận công tác tư vấn tuyển sinh trên các kênh thông tin hiệu quả, thu hút được đông đảo người học tham gia xét tuyển vào ngành Thương mại điện tử.
Bên cạnh đó, ngành Thương mại điện tử của Trường Đại học Thương mại có hoạt động nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp sinh viên khá mạnh, sinh viên tham gia tích cực trong nghiên cứu khoa học với loại hình đa dạng, có sự hỗ trợ và hướng dẫn thực hiện đầy đủ từ phía khoa và Nhà trường, thầy cô. Đề tài, Dự án của sinh viên tham gia dự thi các cấp đạt giải cao như liên tục 2 năm sinh viên ngành Thương mại điện tử đạt Giải nhì “Giải thưởng Nghiên cứu khoa học sinh viên” của Bộ giáo dục và đào tạo, Giải nhất Cuộc thi khởi nghiệp IT-Startup, Top 10 Cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo quốc gia – Techfest. Sinh viên xuất sắc ngành Thương mại điện tử - Trường Đại học Thương mại còn có cơ hội được tham gia Chương trình học bổng đào tạo Thương mại điện tử xuyên biên giới tại Học viện Kỹ thuật Chức nghiệp và Thương mại quốc tế Nam Ninh, Quảng Tây – Trung Quốc, …
Khoa Hệ thống thông tin kinh tế & Thương mại điện tử - Trường Đại học Thương mại tổ chức Hội nghị tổng kết NCKH sinh viên năm học 2021-2022 và ra mắt Câu lạc bộ Sinh viên với NCKH và Khởi nghiệp (SREC)
Năm 2022, ngành Thương mại điện tử - Trường Đại học Thương mại tiếp tục tuyển sinh 220 chỉ tiêu (mã ngành TM17) với 4 tổ hợp xét tuyển là A00, A01, D01, D07. Đặc biệt là rất đa dạng các phương thức tuyển sinh như Xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ giáo dục và Đào tạo; Xét tuyển kết hợp Chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế với Kết quả thi tốt nghiệp THPT; Xét tuyển kết hợp giải học sinh giỏi cấp thành phố trực thuộc Trung ương trở lên với Kết quả thi tốt nghiệp THPT; Xét tuyển kết hợp Chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế với Kết quả học tập bậc THPT; Xét tuyển dựa trên kết quả thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức; Xét tuyển chỉ dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT,…
Với chương trình đào tạo đã được kiểm định về chất lượng giáo dục cùng với cơ sở vật chất hiện đại, nội dung môn học có tính ứng dụng cao, kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, cùng với bề dày kinh nghiệm của đội ngũ giảng viên, sự năng động của nhiều câu lạc bộ sinh viên trong Khoa có thể thấy mô hình đào tạo ngành Thương mại điện tử – Trường Đại học Thương mại đang là mô hình tiêu biểu, điển hình tại Việt Nam. Đây cũng là động lực để các cơ sở giáo dục đào tạo ngành Thương mại điện tử trong cả nước nỗ lực, phấn đấu và tham khảo, áp dụng nhằm nâng cao chất lượng cho nguồn nhân lực Thương mại điện tử trong thời gian tới, đáp ứng được sự phát triển không ngừng của Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Nguồn thông tin bài viết: https://moit.gov.vn/tin-tuc/phat-trien-nguon-nhan-luc/thuong-mai-dien-tu-nganh-hoc-duoc-kiem-dinh-chat-luong-dao-tao.html
___________________
Mọi thắc mắc xin liên hệ
CLB SINH VIÊN NGHIÊN CỨU KHOA HỌC VÀ KHỞI NGHIỆP - SREC
➤Facebook: SREC - CLB Sinh Viên Nghiên Cứu Khoa Học & Khởi Nghiệp
➤Website: https://srec.edu.vn/
➤Email: srec.tmu@gmail.com
➤Hotline: 09045649861