Tin quốc tế
1.Shein - Startup mạnh nhất thế giới - gã khổng lồ thời trang nhanh
Nhà bán lẻ Shein có thể tương đối xa lạ đối với những người trên 30 tuổi, nhưng với những người mua sắm thuộc Gen Z (sinh từ năm 1997 đến 2012), Shein hiện là cái tên phổ biến nhất.
Shein kiếm được 15,7 tỷ USD vào năm 2021, tăng 60% với năm 2020. Ứng dụng của Shein đã được tải xuống nhiều gấp đôi so với ứng dụng của Amazon vào năm 2021, khiến Shein trở thành ứng dụng mua sắm phổ biến nhất thế giới.
Đâu là bí quyết thành công cốt lõi của Shein? Đó chính là chiến lược tiếp thị trên mạng xã hội. Nhìn vào chiến lược này thì người ta sẽ thấy thành công của Shein không có gì ngạc nhiên.
Thương hiệu Shein có trên 26 triệu người theo dõi trên Facebook và 24 triệu người theo dõi trên Instagram. Còn Shein Hauls, nơi những người có ảnh hưởng mở gói hàng mà Shein giao cho họ rồi thử quần áo và chia sẻ cảm giác trước ống kính, rất thu hút người xem và các video này có hàng tỷ lượt xem trên TikTok và YouTube. Có thể nói Shein là hãng đầu tiên dùng người có ảnh hưởng để tiếp thị thay vì dùng người nổi tiếng như các nhãn hàng khác.
Ngoài ra, Shein có các khu vực dành riêng cho quần áo cỡ lớn và khiến những người mua ngoại cỡ cảm thấy tích cực về bản thân khi ngắm nhìn những người cùng cỡ mặc váy áo Shein. Tôn vinh những người mẫu ngoại cỡ là điều rất ít công ty thời trang khác làm được cho đến nay.
Nhà bán lẻ này cũng sử dụng “đại sứ trường đại học”. Các đại sứ này tìm người mua sắm trên các trang web của trường đại học và tặng quà cho những khách hàng đánh giá tích cực.
Thành công của Shein còn nằm ở chỗ thương hiệu này đã đẩy mạnh mô hình thời trang nhanh. Shein sử dụng các thuật toán để thiết lập các xu hướng thời trang mới nhất, mà đội ngũ thiết kế 2.000 người hùng hậu sử dụng làm cơ sở để tạo ra một loạt các sản phẩm mới. Mỗi ngày có tới 6.000 đơn vị sản phẩm ra đời.
Nhưng thay vì đặt may hàng nghìn sản phẩm cho mỗi mẫu, Shein sản xuất các mẫu sản phẩm với số lượng rất nhỏ, chỉ chưa đầy 100 cái cho mỗi mẫu.
Sau đó, Shein sử dụng thông tin thời gian thực để xem từng mặt hàng được bán với tốc độ ra sao và nhanh chóng đặt hàng thêm nếu mẫu đó được nhiều người thích. Tất nhiên, Shein sẽ ngừng sản xuất mẫu nào không bán chạy.
Có thể nói Shein là một câu chuyện thành công quốc tế. Theo The Economist, Shein đang bán hàng tại hơn 150 quốc gia mà Mỹ là thị trường lớn nhất, chiếm từ 35 đến 40% doanh số bán hàng và thị trường lớn tiếp theo là châu Âu.
Sau hơn 10 năm gây dựng, Hôm 28/11, Reuters trích các nguồn tin thân cận cho biết Shein đã bí mật nộp hồ sơ IPO (Phát hành cổ phiếu lần đầu) tại Mỹ. Đây có thể là một trong những công ty Trung Quốc có giá trị lớn nhất niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ. Shein chưa tiết lộ quy mô IPO hoặc mức định giá công ty. Tuy nhiên, Bloomberg hồi đầu tháng trích nguồn tin khác cho biết Shein muốn được định giá 90 tỷ USD.
Nguồn:Thu thập nhiều nguồn.
2.Amazon trở thành đơn vị giao hàng lớn nhất Mỹ
Amazon vượt qua UPS và FedEx về số lượng bưu kiện, chiếm ngôi vị doanh nghiệp giao hàng lớn nhất ở Mỹ.
Ông lớn sàn thương mại điện tử này đã vượt qua UPS về số lượng bưu kiện vào năm 2022 và FedEx vào năm 2020. Trước dịp Black Friday và Cyber Monday, Amazon đã giao hơn 4,8 tỷ gói hàng chỉ riêng ở Mỹ.
Amazon có trụ sở tại Seattle dự kiến thực hiện khoảng 5,9 tỷ lượt giao hàng vào cuối năm 2023. Con số này đánh dấu mức tăng khoảng 13,5% so với năm ngoái (khoảng 5,2 tỷ gói hàng).
Trong khi đó, UPS cho biết lượng hàng giao trong nước của họ khó vượt quá con số 5,3 tỷ của năm ngoái. Tính đến tháng 9, đơn vị này đã xử lý khoảng 3,4 tỷ bưu kiện trong nước. Về phía FedEx, khối lượng bưu kiện chuyển phát nhanh và đường bộ nội địa của đơn vị đạt khoảng 3,05 tỷ trong năm tài chính kết thúc vào ngày 31/5/2023.
Một thập kỷ trước, Amazon là khách hàng lớn của UPS và FedEx. Năm 2016, Giám đốc điều hành lúc đó của FedEx, Fred Smith, đã bác bỏ quan điểm cho rằng Amazon trở thành mối đe dọa đối với gã khổng lồ hậu cần, dù hãng này đứng ngay sau UPS và FedEx.
Năm 2018, Amazon triển khai một chương trình trong đó các doanh nhân có thể nhượng quyền thương mại của mình để cung cấp các gói hàng trên Amazon với giá 10.000 USD. Công ty cũng sử dụng mô hình nhà thầu cho các tuyến địa phương. Các cựu giám đốc điều hành cho biết chương trình có khoảng 200.000 tài xế ở Mỹ, giúp công ty nhanh chóng tăng tốc số lượng gói hàng có thể giao mỗi ngày.
Đầu đại dịch, Amazon mở rộng phạm vi tiếp cận thương mại điện tử của mình bằng việc mở hàng trăm nhà kho mới, trung tâm phân loại và các cơ sở hậu cần khác. Quy mô mạng lưới gần như tăng gấp đôi từ khi bắt đầu đại dịch đến cuối năm 2021.
Vừa qua, Amazon bổ sung loạt công nghệ robot và trí tuệ nhân tạo mới tại các kho nhằm giảm thời gian giao hàng và tăng tốc hoạt động kiểm kê - đồng thời hạn chế thương tích cho nhân viên. Hệ thống robot, được đặt tên là Sequoia - ra mắt tại một nhà kho ở Houston ngày 16/10 - sẽ được triển khai trên 300 địa điểm của công ty trên toàn thế giới đến năm 2024.
Tin trong nước
1.Thị trường thương mại điện tử Việt Nam nằm ở top cao trên thế giới
Sáng ngày 1/12, Hội nghị Phát triển thương mại điện tử Việt Nam với chủ đề "Phát triển thương mại điện tử bền vững" đã diễn ra tại Hà Nội.
Báo cáo của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho thấy, sau 10 năm phát triển, thương mại điện tử Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng vượt bậc ở mức 16-30%/năm và dự kiến quy mô thị trường sẽ đạt 20,5 tỷ USD trong năm 2023.
Tăng trưởng mạnh mẽ nên thương mại điện tử ngày càng khẳng định là cấu phần quan trọng của nền kinh tế số tại Việt Nam. Thông qua thương mại điện tử, Việt Nam cũng đã hình thành các hệ thống cung ứng dịch vụ thứ cấp cho thị trường gồm dịch vụ nền tảng công nghệ hỗ trợ giao dịch thương mại điện tử, các dịch vụ marketing, truyền thông tiếp thị trực tuyến, dịch vụ chuyển phát…
Thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang được đánh giá có tốc độ tăng trưởng nằm trong nhóm Top 10 trên toàn thế giới và dự đoán tiếp tục thăng hạng trong 2 năm tới.
Bên cạnh những kết quả tích cực, thương mại điện tử cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: bảo đảm nguồn gốc của hàng hóa; an toàn, an ninh thông tin cá nhân; hạ tầng logistics chưa đáp ứng kịp tốc độ tăng trưởng; niềm tin của người tiêu dùng trong giao dịch.
Tại hội nghị các chuyên gia có chung ý kiến để phát triển bền vững thương mại điện tử cần có các yếu tố như tăng trưởng ổn định, tích cực, đảm bảo sự cân bằng, đáp ứng xu thế xanh, và đặc biệt là bảo vệ người tiêu dùng.
Ngoài ra các doanh nghiệp lớn trong ngành, doanh nghiệp hạ tầng cần chung tay với cơ quan quản lý nhà nước hỗ trợ từng bước ứng dụng thương mại điện tử để giúp cả xã hội đều có thể sử dụng lợi thế của thương mại điện tử để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Nhằm phát triển thương mại điện tử, Bộ Công Thương đã đưa ra mô hình hệ sinh thái số, từ các hoạt động chuyển đổi số, phát triển hạ tầng số đến các nhóm giải pháp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các chủ thể tham gia giao dịch thương mại điện tử.
2.Tương lai phát triển của nhân lực ảo hỗ trợ livestream
Người tiêu dùng Việt Nam dành hơn 37 triệu giờ mua hàng qua livestream trên một nền tảng thương mại điện tử. Thống kê từ một số công ty cho thấy, trung bình mỗi ngày, Việt Nam có 70.000 – 80.000 phiên livestream bán hàng trên các nền tảng bán hàng online và 2.000 – 3.000 phiên livestream bán hàng trên sàn thương mại điện tử.
Mới đây, Công ty cổ phần Dược phẩm Vinapharma Group đã hợp tác cùng Công ty AiClip tạo ra những sản phẩm và dịch vụ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, thời gian và nhân sự trong việc sản xuất video và livestream hoàn toàn tự động bằng cách sử dụng công nghệ người kỹ thuật số trí tuệ nhân tạo AI.
Theo đó, đại sứ bán hàng Diễm Hằng cho rằng MC ảo có thể sáng tạo nội dung không giới hạn, ít đầu tư nhân sự quay phim, không cần lên hình trực tiếp, không cần thu âm, tránh được những ồn ào scandal và có khả năng livestream 24/7.
Anh Phan Minh Thức, nhà sáng lập của thương hiệu Ba Thức Food vừa thử nghiệm MC ảo bán hàng trên kênh TikTokShop của mình, cho biết sự kiện cũng thu hút sự quan tâm, tò mò từ những người dùng nền tảng. “Sau các buổi thử nghiệm, tôi nhìn nhận mức độ hiệu quả đạt 5-7% so với việc dùng người thật bán hàng. Nhưng đây là hình thức dễ nhân bản, nếu nhân lên khoảng 10, 20, 50 nhân vật ảo thì sức mạnh cộng hưởng lớn trên đa dạng nền tảng”, anh nhấn mạnh. Hiện tại, kênh vẫn sử dụng hình thức livestream bán hàng truyền thống và cho doanh thu chính để vận hành doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Hữu Long, nhà sáng lập và điều hành Trường doanh nhân Chuỗi bán lẻ & Nhượng quyền Việt Nam, nhận định ở“Vì các hệ thống này cần mức đầu tư lớn cũng như năng lực nhất định để triển khai thì mới hoạt động tốt trên diện rộng. Các nhà bán hàng vừa và nhỏ nguồn lực còn giới hạn nên sự lựa chọn đầu tư hay dựa vào các công nghệ này e rằng chưa khả thi lúc này”, ông nói.
Ngoài ra, việc đưa MC ảo lên sóng tương tác trực tiếp với khách hàng cũng cần nhiều thời gian để người tiêu dùng thích ứng và có sự tin tưởng vào hoạt động mua bán của doanh nghiệp.
-----------------------------------
Mọi thắc mắc xin liên hệ:
➤ CLB SINH VIÊN NGHIÊN CỨU KHOA HỌC VÀ KHỞI NGHIỆP - SREC
➤ Facebook: SREC - CLB Sinh Viên Nghiên Cứu Khoa Học & Khởi Nghiệp
➤ Website: https://srec.edu.vn/
➤ Email: srec.tmu@gmail.com
➤ Hotline: 0975893477