Thứ Hai cuối cùng của tháng 7/2024 tưởng chừng như là một ngày bình thường, nhưng khi biết đến SREC, ngày này trở nên bùng nổ. Sự bùng nổ này không chỉ giới hạn trong nước mà còn lan rộng ra quốc tế. Vậy tuần cuối cùng của tháng 7 có gì hay? Hãy cùng SREC NEWS khám phá những tin tức công nghệ đầy hấp dẫn trong bản tin hôm nay:
Nghiên cứu phương án nâng tỷ lệ mua điện mặt trời áp mái dư phát lên lưới 20% ở miền Bắc
Microsoft và Lumen Technologies hợp tác thúc đẩy chuyển đổi số và sáng kiến AI
Big Tech Trung Quốc khát nhân lực AI
Người Việt chi 800 tỷ đồng mỗi ngày để mua hàng online
Mời các bạn Click vào từng bản tin để có thể theo dõi chi tiết nội dung. Đừng quên follow Fanpage SREC để cập nhập thêm những thông tin mới nhất về kinh doanh, khởi nghiệp trên lĩnh vực thương mại điện tử và công nghệ nhé!!
SREC - STUDY WITH PASSION TO LIVE PURPOSEFULLY
___________________
Mọi thắc mắc xin liên hệ:
CLB SINH VIÊN NGHIÊN CỨU KHOA HỌC VÀ KHỞI NGHIỆP - SREC
➤ Facebook: SREC - CLB Sinh Viên Nghiên Cứu Khoa Học & Khởi Nghiệp
➤ Website: https://srec.edu.vn/
➤ Email: srec.tmu@gmail.com
➤ Hotline: 0827939493 (Ms.Thu Lieu)
Tin 1: Nghiên cứu phương án nâng tỷ lệ mua điện mặt trời áp mái dư phát lên lưới 20% ở miền Bắc
Chủ trì cuộc họp cho ý kiến về dự thảo Nghị định quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã nhấn mạnh việc huy động điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu lên lưới điện quốc gia cần căn cứ vào yêu cầu của đất nước, thực tiễn phát triển nguồn điện, đặc thù của từng vùng, miền. Đại diện cho cơ quan chủ trì xây dựng Dự thảo Nghị định quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu, Thứ trưởng Công Thương Nguyễn Hoàng Long cho biết trong dự thảo cuối cùng, cơ quan này vẫn giữ đề xuất điện mặt trời mái nhà tự dùng không nối lên lưới điện quốc gia được phát triển không giới hạn.
Tuy nhiên, đặc thù của điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu chủ yếu là do một pháp nhân hoặc cá nhân sản xuất nhằm mục tiêu ban đầu là cung ứng và phục vụ cho nhu cầu của chính tổ chức cá nhân đó. Do đó, trường hợp người dân chọn phát điện dư vào hệ thống sẽ chỉ được bán dưới 10% công suất lắp đặt. Lượng dư phát lên lưới cũng phải theo quy hoạch điện lực đã được phê duyệt, không vượt quá 2.600 MW đến 2030.
Song, Phó thủ tướng cho rằng huy động nguồn năng lượng này lên lưới quốc gia cần căn cứ vào yêu cầu của đất nước, thực tế phát triển nguồn, đặc thù từng vùng, miền. Do đó, Phó thủ tướng đã yêu cầu cơ quan soạn thảo nghiên cứu phương án nâng tỷ lệ mua điện dư phát lên lưới là 20% công suất lắp đặt ở miền Bắc. Miền Trung, Nam có thể giữ ở mức 10% như đề xuất ban đầu.
Thông tin tại cuộc họp, ông Đỗ Văn Năm, Thành viên Hội đồng thành viên Tổng Công ty Điện lực miền Bắc cho biết, nhiều khu, cụm công nghiệp đang chờ nghị định được ban hành để lắp đặt điện mặt trời mái nhà. Về việc lắp đặt điện mặt trời mái nhà tại khu, cụm công nghiệp, Phó thủ tướng cũng chỉ đạo: ngoài quy định doanh nghiệp tự đầu tư lắp đặt như trong dự thảo, cần cho phép thuê đơn vị khác lắp đặt để sử dụng. Nguồn: VnEconomy
Tin 2: Microsoft và Lumen Technologies hợp tác thúc đẩy chuyển đổi số và sáng kiến AI
Vào tuần trước, Lumen Technologies và Microsoft vừa công bố quan hệ đối tác chiến lược, ứng dụng Microsoft Cloud thúc đẩy nhanh hơn nữa quá trình chuyển đổi số tại Lumen. Đồng thời, Microsoft sẽ tận dụng mạng lưới của Lumen để mở rộng năng lực nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng đối với các trung tâm dữ liệu AI của hãng, theo Reuters.
Hệ thống trung tâm dữ liệu đã trở thành cơ sở hạ tầng quan trọng cung cấp năng lực tính toán cho hàng triệu người dùng cá nhân và tổ chức của Microsoft Cloud. Trong quá trình phát triển và mở rộng hệ sinh thái, công ty nhận định Lumen Technologies là nhà cung cấp cơ sở hạ tầng mạng chiến lược và đang nỗ lực hợp tác với Lumen nhằm nghiên cứu thế hệ công cụ AI tiếp theo.
Được biết, Private Connectivity Fabric là chuỗi dịch vụ tùy chỉnh bao gồm quyền truy cập chuyên dụng vào cáp quang trong mạng lưới Lumen, lắp đặt cáp quang mới trên nhiều tuyến hiện có và tuyến mới hay sử dụng bộ công cụ kỹ thuật số mới của Lumen. Cơ sở hạ tầng luôn sẵn sàng triển khai AI sẽ giúp tăng cường khả năng kết nối giữa các trung tâm dữ liệu của Microsoft bằng cách cung cấp dung lượng mạng, hiệu suất, độ ổn định và tốc độ mà khách hàng cần khi nhu cầu dữ liệu tăng lên.
Nguồn: VnEconomy
Tin 3: Big Tech Trung Quốc khát nhân lực AI
Một số công ty công nghệ lớn nhất Trung Quốc, bao gồm Baidu, Tencent Holdings và chủ sở hữu TikTok là ByteDance đã bắt tay vào một cuộc đua để tìm nhân lực tài năng trên toàn thế giới nhằm tăng cường nghiên cứu về các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), chất bán dẫn và xe tự lái. Ngay sau khi học kỳ mùa xuân kết thúc, các công ty đã bắt đầu đợt tuyển dụng hàng năm tại trường với nỗ lực nhắm vào các ứng viên tiến sĩ năm cuối trong lĩnh vực AI.
Baidu, công ty điều hành công cụ tìm kiếm hàng đầu Trung Quốc, đã chuyển trọng tâm sang AI. Công ty này đã đầu tư rất nhiều vào các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM), công nghệ đằng sau các chatbot giống như ChatGPT, cũng như công nghệ tự lái do AI cung cấp. Baidu cho biết chiến dịch của họ sẽ tập trung vào những người có chuyên môn về LLM, thị giác máy tính, xe tự lái và thiết kế mạch tích hợp. Theo một bài đăng trên mạng xã hội của công ty vào cuối tháng 6, ứng viên lý tưởng sẽ là những sinh viên sẽ tốt nghiệp từ tháng 9 năm nay đến tháng 8 năm 2025. Công ty cho biết chiến dịch này nhằm mục đích tuyển dụng những tài năng hàng đầu về AI tử trên ghế nhà trường và bồi dưỡng những nhà lãnh đạo công nghệ AI.
Tencent, gã khổng lồ về truyền thông xã hội và trò chơi điện tử cũng có một chương trình tương tự để thu hút các sinh viên công nghệ hàng đầu trên toàn cầu gia nhập công ty trong 10 lĩnh vực kỹ thuật bao gồm LLM, công cụ trò chơi, robot và điện toán lượng tử, công ty đã công bố vào đầu tháng này. Bất cứ ai tốt nghiệp từ tháng 1/2023 đến tháng 12/2025 đều có thể nộp đơn. Cơ hội việc làm không chỉ ở Trung Quốc mà còn ở các nền kinh tế lớn khác bao gồm Mỹ, Anh, Singapore và Hà Lan. Công ty cho biết, bên cạnh các nghiên cứu sinh tiến sĩ, những người có bằng cử nhân hoặc thạc sĩ cũng được chào đón.
ByteDance, chủ sở hữu của TikTok và Douyin đã thành công dựa vào thuật toán đề xuất do AI cung cấp, đang tìm kiếm các nghiên cứu sinh tiến sĩ để nâng cao hơn nữa khả năng tìm kiếm và đề xuất của mình. Những ứng viên chuyên về robot, an ninh mạng và phần cứng cũng sẽ đủ điều kiện tham gia chương trình tuyển dụng của ByteDance đã công bố vào đầu tháng 7. Công ty đang tìm kiếm những sinh viên sẽ tốt nghiệp với bằng tiến sĩ trong khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng 8 năm 2025 và họ có thể chọn làm việc tại các thành phố lớn của Trung Quốc hoặc tại các văn phòng ByteDance Mỹ ở San Jose và Seattle.
Nguồn: VnEconomy
Tin 4: Thanh toán kỹ thuật số thúc đẩy phát triển kinh tế số
Thói quen không mang tiền mặt đang dần được hình thành và gia tăng tại Việt Nam trong thời gian gần đây. Theo nghiên cứu của Visa, trong năm 2022, 77% những người tham gia khảo sát tự tin có thể không dùng tiền mặt trong vòng 3 ngày; còn trong năm 2023, khảo sát 1.000 người tiêu dùng Việt Nam cho thấy thời gian trung bình không sử dụng tiền mặt trong một tháng tăng đến 11 ngày liên tiếp.
Theo Ngân hàng Nhà nước, trong năm 2023, thanh toán không dùng tiền mặt cả nước đạt khoảng 11 tỷ giao dịch, tăng gần 50% so với năm 2022, tổng giá trị giao dịch đạt hơn 200 triệu tỷ đồng. Bên cạnh đó, tính đến cuối năm 2023, số lượng tài khoản thanh toán của cá nhân là hơn 182,88 triệu tài khoản, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm 2022. Với đà tăng trưởng mạnh mẽ như vậy, Việt Nam là nước đứng đầu trong 5 quốc gia có tỷ lệ chuyển đổi thanh toán số cao nhất khu vực Đông Nam Á, vượt Philippines, Thái Lan, Singapore và Indonesia.
Làn sóng thanh toán kỹ thuật số không chỉ là kết quả của những tiến bộ về mặt công nghệ, mà còn là sự chuyển dịch để mang đến sự minh bạch trong chi tiêu giao dịch, đáp ứng nhu cầu thanh toán hiệu quả cho các cá nhân tổ chức; đồng thời, cũng mở ra những cơ hội tiềm năng để cả thị trường tăng trưởng và phát triển nhiều dịch vụ mới trong một nền kinh tế số – nơi tất cả các lĩnh vực dựa trên công nghệ và kỹ thuật số, trong đó tài chính số đóng vai trò mạch máu.
Nguồn: VnEconomy
Tin 4: Người Việt chi 800 tỷ đồng mỗi ngày để mua hàng online
Trong nửa đầu năm, trung bình mỗi ngày, người tiêu dùng Việt Nam chi tiêu xấp xỉ 800 tỷ đồng trên 5 sàn Shopee, Lazada, Tiki, Sendo và Tiktok Shop. Thông tin trên được nêu trong "Báo cáo thị trường sàn bán lẻ trực tuyến 6 tháng đầu năm 2024" của công ty dữ liệu thương mại điện tử Metric (một trong hai đơn vị cung cấp dữ liệu thương mại điện tử hàng đầu tại Việt Nam). Công ty cho biết dữ liệu công bố được thu thập bằng công nghệ, đã loại bỏ đơn ảo và hàng quà tặng. Theo đó, tổng doanh số 5 sàn trong nửa năm qua đạt 143.900 tỷ đồng, tăng 54,91% so với cùng kỳ 2023. Tốc độ này cao hơn đáng kể so với tăng trưởng 7,4% của ngành bán lẻ trong 6 tháng đầu năm, theo dữ liệu của Tổng cục Thống kê.
Trong cùng giai đoạn, tổng mức bán lẻ cả nước đạt gần 2,4 triệu tỷ đồng. Như vậy, quy mô thị trường của 5 sàn bán lẻ trực tuyến lớn nhất Việt Nam này ước chiếm khoảng 6% ngành bán lẻ. "Thương mại điện tử tại Việt Nam tiếp tục phát triển và trở thành điểm sáng trong toàn cảnh bức tranh kinh tế", Metric nhận định.
Đóng góp chính vào tăng trưởng doanh số kênh trực tuyến đến từ TikTok Shop và Shopee, lần lượt đạt 150,54 % và 65,97% so với cùng kỳ 2023. Theo Metric, điều này là nhờ 2 nền tảng có sự hiểu biết sâu sắc về thị trường và nhu cầu của người tiêu dùng Việt Nam. Trong khi Lazada, Tiki và Sendo chứng kiến chi tiêu của khách hàng giảm 2 con số nửa năm qua.
Sáu tháng đầu năm, người tiêu dùng mua 1,533 triệu sản phẩm trực tuyến (tính theo đơn nhận thành công), tăng 65,5% so với cùng kỳ 2023. Đáng chú ý, phân khúc giá rẻ dưới 200.000 đồng vẫn duy trì sức hấp dẫn mạnh mẽ, với thị phần tăng thêm 3% so với cùng kỳ. Nhờ lợi thế ở phân khúc giá rẻ, nhất là bán khuyến mại qua livestream, tăng trưởng tính theo sản lượng hàng hóa trên TikTok Shop tăng mạnh nhất nửa đầu năm, đến hơn 240% so với cùng kỳ 2023, trong khi Shopee tăng 65,5%.
Tính theo nhóm ngành, người Việt chi tiêu nhiều nhất cho làm đẹp, thời trang nữ và nhà cửa - đời sống trong nửa năm qua. Cả 3 ngành này dẫn đầu về doanh số lẫn sản lượng bán trực tuyến. Tính trung bình mỗi ngày, người Việt chi 144 tỷ đồng cho đồ làm đẹp, hơn 100 tỷ đồng cho quần áo nữ cũng như vật dụng nhà cửa.
Nguồn: VnExpress