Ngày 19/03 vừa qua tại Hà Nội, Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội - Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội kết hợp Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TPHCM đã tổ chức Hội thảo cơ chế đặc thù hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo địa phương: Kinh nghiệm thế giới và bài học cho Hà Nội. Tham dự Hội thảo gồm Ông Đỗ Tiến Thịnh – Phó giám đốc Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ông Ngô Minh Toàn – Giám đốc trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội, PGS.TS Phạm Đức Chính – PGS.TS Giảng viên cao cấp trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐHQG TPHCM cùng đại diện các đơn vị liên quan ban ngành khác. Ngoài ra, hội thảo cũng vinh dự được đón chào TS.Vũ Thúy Hằng - hiện đang là giảng viên trường ĐH Thương Mại, chủ tịch câu lạc bộ sinh viên NCKH&KN kiêm chuyên viên Shopee - Hoàng Ni Na, Trưởng ban khởi nghiệp câu lạc bộ sinh viên NCKH&KN - Vũ Minh Ngọc, Trưởng ban truyền thông câu lạc bộ sinh viên NCKH&KN - Trần Thị Tú Xương với vai trò là đại biểu khách mời. Ngoài ra, hội thảo cũng có sự góp mặt của các thành viên khác trong câu lạc bộ với vai trò là thính giả.
Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội – Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội ông Ngô Minh Toàn đã trực tiếp phát biểu định hướng và khai mạc hội thảo: Đánh giá mặt tích cực, hạn chế của các cơ chế chính sách đối với chuyển đổi số. Ngày 9/9/2019, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội ban hành quyết định phê duyệt Đề án “Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2019-2025”, khẳng định việc tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của chính quyền Thành Phố, trong đó, Trung tâm hỗ trợ Doanh nghiệp Hà Nội là cơ quan đầu mối, được thành phố giao nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng và triển khai các chính sách liên quan đến hỗ trợ khởi nghiệp và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Từ đó khi quyết định được phê duyệt đến nay, Trung tâm hỗ trợ Doanh nghiệp Hà Nội đã nhiều lần chủ động triển khai các nội dung, tích cực tổ chức các hoạt động vừa có tính chuyên môn sâu vừa mang tính cổ vũ, khích lệ khởi nghiệp với tiêu chí: dám nghĩ, dám làm, dám dấn thân vào con đường khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Đây cũng là một trong số những hoạt động góp phần giúp cho Hà Nội đứng hàng top trong các thành phố dẫn đầu về chuyển đổi số.
Phó GĐ Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia – bộ KHĐT - Ông Đỗ Tiến Thịnh cũng trình bày quan điểm tham luận của mình với chủ đề “Một số cơ chế, chính sách và các chương trình, dự án của TW hỗ trợ đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo” trong đó đánh giá các mặt tích cực và tiêu cực đối với việc hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo. Ngoài ra ông còn đưa ra cơ hội, tầm nhìn, định hướng chiến lược hỗ trợ đổi mới sáng tạo vào quy hoạch phát triển kinh tế xã hội 2022, thuận lợi cần khai thác: kết nối các cơ sở vật chất phục vụ đổi mới sáng tạo đang có của các bộ, ngành, viện nghiên cứu, trường đại học, các tập đoàn… để hỗ trợ đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo cho Hà Nội. Bên cạnh đó, ông còn nêu ra quan điểm về việc kết nối các chương trình, dự án đổi mới sáng tạo đang có của các Bộ, ngành, viện nghiên cứu, trường đại học, các tập đoàn… cũng như chủ động phối hợp ngay từ khi được xin ý kiến xây dựng các chương trình, dự án.
Tiếp đó, PGS.TS Phạm Đức Chính – Giảng viên cao cấp Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TP.HCM chia sẻ đề tài “Chính sách Hỗ trợ các sản phẩm nông nghiệp và Du lịch trong khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở bang Ohio (Mỹ) và khả năng vận dụng cho Hà Nội”; VISA khởi nghiệp: kinh nghiệm của Úc, Canada và bài học cho Hà Nội. Ông nhấn mạnh việc tận dụng và khai thác triệt để hiệu quả lợi thế từ các nguồn lực hỗ trợ khác là một yếu tố vô cùng quan trọng đối với doanh nghiệp non trẻ có ý định khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Cũng tại đây, các đại biểu đã đưa ra nhiều quan điểm về kinh nghiệm khởi nghiệp sáng tạo tại các quốc gia, các địa phương và các trường Đại học, nhằm tìm ra những phương pháp hay, sáng tạo phù hợp với nhu cầu và điều kiện khởi nghiệp của doanh nghiệp Việt Nam nói chung và thủ đô Hà Nội nói riêng.
Thời gian sắp tới, Trung tâm đặt ra mục tiêu tập trung triển khai các nhóm nhiệm vụ và giải pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Trong năm 2022, Trung tâm đặt mục tiêu phối hợp với 8 đơn vị truyền thông, hỗ trợ kinh phí xây dựng các chương trình tuyên truyền về khởi nghiệp sáng tạo; tổ chức đào tạo chuyên sâu cho 60 startup, 60 cố vấn khởi nghiệp; tổ chức 8 hội thảo kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo; hỗ trợ kinh phí cho 10 đội nhóm khởi nghiệp sáng tạo tham gia các khóa huấn luyện, tích lũy kinh nghiệm tại nước ngoài; hỗ trợ cải tạo, sửa chữa, phát triển cơ sở hạ tầng cho 2 cơ sở ươm tạo; hỗ trợ kinh phí tham gia các cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung cho cho 15 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Có thể nói, hội thảo là nơi để cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo Thủ đô thỏa sức thể hiện niềm đam mê đối với khởi nghiệp sáng tạo đặc biệt là đội ngũ trí thức trẻ. Hội thảo không chỉ giúp tăng cường kết nối mạng lưới, giao lưu, hợp tác, trao đổi kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực khác nhau mà còn tận dụng hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển và dẫn dắt hệ sinh thái khởi nghiệp. Trong tương lai, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có thể là tiềm năng tạo ra những đột phá giúp giải quyết nhiều vấn đề trong nền kinh tế - xã hội của thành phố Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung, góp phần tạo ra những giá trị nhân văn và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.
Nguồn:https://thucte.vn/hoi-thao-co-che-dac-thu-ho-tro-khoi-nghiep-doi-moi-sang-tao-dia-phuong-kinh-nghiem-the-gioi-va-bai-hoc-cho-ha-noi-a31353.
___________________
Mọi thắc mắc xin liên hệ
CLB SINH VIÊN NGHIÊN CỨU KHOA HỌC VÀ KHỞI NGHIỆP - SREC
➤Facebook: SREC - CLB Sinh Viên Nghiên Cứu Khoa Học & Khởi Nghiệp
➤Website: https://srec.edu.vn/
➤Email: srec.tmu@gmail.com
➤Hotline: 09045649861